Trao đổi với P.V Báo Quảng Nam trước thềm Xuân Giáp Thìn 2024, ông Nguyễn Phước Sơn - Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn chia sẻ: “Năm 2023, dù đối diện với hàng loạt khó khăn nhưng nhờ nỗ lực triển khai đồng bộ và hiệu quả nhiều giải pháp, địa phương tiếp tục tạo chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực”.
Nhiều lĩnh vực khởi sắc
P.V: Ông đánh giá thế nào về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Quế Sơn trong năm qua?
Ông Nguyễn Phước Sơn: Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn và nhiều yếu tố bất lợi khác nhưng năm qua kinh tế Quế Sơn vẫn tiếp tục tăng trưởng.
Theo ước tính, năm 2023, tổng giá trị sản xuất toàn nền kinh tế của huyện đạt 9.869,8 tỷ đồng, tăng 2,66% so với năm 2022. Trong đó, giá trị nông - lâm nghiệp - thủy sản ước đạt 1.223,4 tỷ đồng, tăng 1,92%; giá trị công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và xây dựng ước đạt 5.857,4 tỷ đồng, tăng 3,06%; giá trị thương mại - dịch vụ ước đạt 2.789 tỷ đồng, tăng 2,25%.
Nhờ kinh tế tăng trưởng và tích cực triển khai tốt các chính sách an sinh xã hội, huy động nhiều nguồn lực để chăm lo nên năm qua đời sống người dân trên địa bàn huyện tiếp tục cải thiện.
Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của Quế Sơn đạt 47,6 triệu đồng, tăng 2,6 triệu đồng so với mục tiêu nghị quyết HĐND huyện đề ra; toàn huyện giảm 111 hộ nghèo so với năm 2022, trong khi đó nghị quyết HĐND huyện đề ra là phấn đấu giảm 50 hộ nghèo.
Năm 2023, tổng nguồn vốn huy động đầu tư toàn xã hội ở Quế Sơn ước đạt 990 tỷ đồng, chiếm 10,03% so với tổng giá trị sản xuất. Trong năm qua, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện ước đạt hơn 1.046 tỷ đồng, vượt 34% so với dự toán tỉnh giao và so với kế hoạch HĐND huyện đề ra.
P.V: Việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và OCOP ra sao?
Ông Nguyễn Phước Sơn: Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, thời gian qua cả hệ thống chính trị của Quế Sơn tiếp tục triển khai hiệu quả khá nhiều phần việc nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ.
Toàn huyện có 11 xã thực hiện chương trình NTM. Tính đến cuối năm 2023, bình quân số tiêu chí NTM đạt chuẩn của 1 xã là 17,8 tiêu chí, tăng 4 tiêu chí so với năm 2022.
Ngoài 7 xã gồm Quế Xuân 1, Quế Xuân 2, Quế Phú, Quế Mỹ, Quế Châu, Quế Long, Quế Hiệp đã được công nhận đạt chuẩn NTM (riêng Quế Phú đạt chuẩn xã NTM nâng cao năm 2020) thì đến cuối năm có thêm 2 xã là Quế Minh, Quế An thực hiện hoàn thành tất cả 19 tiêu chí và đang chờ cấp có thẩm quyền thẩm định, đề nghị UBND tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn NTM năm 2023.
Về xây dựng huyện NTM, đến cuối năm 2023 Quế Sơn có 4 tiêu chí đã đạt chuẩn theo quy định, gồm: thủy lợi và phòng chống thiên tai, điện, kinh tế, hệ thống chính trị - an ninh trật tự - hành chính công. Ngoài ra, tiêu chí quy hoạch về cơ bản đã hoàn thành, đang hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt.
Đối với Chương trình OCOP, qua 6 năm triển khai, đến nay toàn huyện đã có 21 sản phẩm của 18 chủ thể được công nhận đạt chuẩn OCOP. Trong đó, có 18 sản phẩm xếp hạng 3 sao và 3 sản phẩm xếp hạng 4 sao (1 sản phẩm tiềm năng 5 sao)...
Nỗ lực tạo đột phá
P.V: Thưa ông, những mục tiêu lớn Quế Sơn đặt ra trong năm 2024 là gì?
Ông Nguyễn Phước Sơn: Năm 2024, Quế Sơn phấn đấu tổng giá trị sản xuất toàn nền kinh tế tăng 12% so với năm 2023; thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng trở lên và giảm 50 hộ nghèo so với năm 2023; thu phát sinh kinh tế tăng 10% trở lên so với kế hoạch tỉnh giao; tổng vốn huy động đầu tư toàn xã hội chiếm 10% trở lên so với tổng giá trị sản xuất.
Cạnh đó, năm 2024 phấn đấu xây dựng 2 thị trấn Đông Phú và Hương An đạt 8/9 tiêu chí về đô thị văn minh; xây dựng thêm 2 xã đạt chuẩn NTM là Quế Thuận và Quế Phong; 3 xã gồm Quế Xuân 1, Quế Xuân 2, Quế Hiệp phấn đấu đạt chuẩn xã NTM nâng cao; xã Quế Phú phấn đấu đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu. Về xây dựng huyện NTM, năm nay cố gắng có thêm 2 tiêu chí đạt chuẩn là y tế - văn hóa - giáo dục và chất lượng môi trường sống…
PV: Để thực hiện hoàn thành mục tiêu trên, huyện đặt ra những giải pháp gì?
Ông Nguyễn Phước Sơn: Về nông nghiệp, thời gian tới Quế Sơn tập trung phát triển sản xuất các loại cây trồng có chất lượng cao, phù hợp với điều kiện từng vùng. Đẩy mạnh công tác chuyển giao, tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất.
Nỗ lực triển khai đồng bộ giải pháp thu hút mạnh các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn, nhất là lĩnh vực nông nghiệp sạch - hiện đại để xây dựng những mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Lấy đầu ra cho sản phẩm làm tiền đề để tổ chức sản xuất, xem đây là khâu đột phá.
Chủ động phòng chống dịch bệnh, đẩy mạnh phát triển các mô hình chăn nuôi theo hình thức trang trại và gia trại áp dụng công nghệ tiên tiến để hạn chế ảnh hưởng đến môi trường; phát triển chăn nuôi theo liên kết chuỗi giá trị đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tăng cường công tác quản lý giống cây lâm nghiệp, nâng cao chất lượng rừng trồng. Đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp, thực hiện tốt các dự án trồng rừng, nhân rộng các mô hình kinh tế vườn - kinh tế trang trại có hiệu quả.
Chỉ đạo các địa phương tập trung củng cố những hợp tác xã hoạt động không hiệu quả. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ hợp tác hình thành và hoạt động theo mô hình hợp tác xã kiểu mới. Tích cực vận động nhân dân thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất, đi vào sản xuất nông nghiệp quy mô lớn ở những nơi có điều kiện để làm nền tảng cho nông nghiệp phát triển một cách bền vững.
Về chương trình NTM, bên cạnh việc giữ vững và nâng cao chất lượng bộ 19 tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn thì năm 2024 huyện sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư cho những xã đăng ký về đích giai đoạn 2021 - 2025 và các xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024; đồng thời tập trung thực hiện 2 tiêu chí huyện NTM, đảm bảo lộ trình về đích NTM vào năm 2025.
Đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn.
Đặc biệt, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ.
Củng cố, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống. Tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và tích cực đẩy mạnh công tác quảng bá, kêu gọi đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; xúc tiến hồ sơ, thủ tục bổ sung danh mục và lựa chọn nhà đầu tư Khu du lịch Suối Tiên và Khu du lịch, nghỉ dưỡng nước nóng Bàn Thạch. Kiểm tra, rà soát các thủ tục đầu tư theo quy định mới để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Tập trung giải quyết các vướng mắc phát sinh trong công tác bồi thường thiệt hại - giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư các công trình, dự án trọng điểm; các cụm công nghiệp để triển khai những dự án đã đăng ký. Thực hiện hiệu quả công tác quản lý hiện trạng đất đai và quản lý quy hoạch, tài nguyên khoáng sản.
Tiếp tục duy trì, thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy - học và công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Năm 2024 Quế Sơn sẽ nỗ lực xây dựng bộ máy chính quyền từ huyện đến cơ sở thật sự vững mạnh, hoạt động có hiệu quả. Đặc biệt, triển khai quyết liệt các giải pháp để cải thiện và duy trì chỉ số cải cách hành chính của huyện…
P.V: Xin cảm ơn ông!