Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong trên thế giới. Sử dụng thuốc lá gây ra 25 căn bệnh, trong đó có ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư miệng, dạ dày, bàng quang, tụy... và là nguyên nhân của 90% các ca ung thư phổi, 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Để hạn chế việc tiêu thụ và sử dụng thuốc lá, thì ngoài việc tăng thuế, nhiều nước trong đó có Việt Nam đã đề ra các giải pháp mạnh. Cụ thể, cảnh báo trên bao bì: in hình cảnh báo trên bao bì là phương pháp dễ dàng và được áp dụng rộng rãi nhất trong cuộc chiến chống thuốc lá. Nepal là nước đưa ra các cảnh báo sức khỏe trên bề mặt bao bì thuốc lá lớn nhất thế giới - chiếm tới 90% bao bì đóng gói. Cấm hút thuốc nơi công cộng: hiện 17 nước EU đang áp dụng lệnh cấm hút thuốc tại các nơi công cộng. Trong đó, Phần Lan là quốc gia có Luật Cấm hút thuốc nghiêm ngặt nhất, yêu cầu các hộ dân cư phải đăng ký với chính quyền nếu muốn cho phép hút thuốc, hướng tới mục tiêu loại bỏ hoàn toàn thuốc lá trong tương lai gần. Áp dụng chương trình cai nghiện thuốc lá: từ năm 2016, Ấn Độ đã đưa ra chương trình cai nghiện thuốc lá miễn phí trên toàn quốc, sau nghiên cứu cho thấy gần 1/2 số người trưởng thành ở nước này đã từng hút thuốc lá. Sau 2 năm, tỷ lệ người trưởng thành hút thuốc đã giảm tới 33% và 53% người hút cũng lên kế hoạch cai nghiện.
Tại Việt Nam thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá hiện bằng 70% giá xuất xưởng. Tuy nhiên, khi tính theo chuẩn quốc tế là mức thuế trong giá bán lẻ, tỷ lệ thuế của Việt Nam (bao gồm cả VAT) chỉ chiếm khoảng 35% giá bán lẻ. Con số này ít hơn nhiều so với con số trung bình thế giới là 58,6%, thấp hơn đa số các nước ASEAN (Thái Lan: 70%, Singapore: 66,2%, Brunei: 62%) và rất xa so với khuyến cáo của WHO. Điều đó khiến giá thuốc lá rẻ, nhiều người có thể tiếp cận, kể cả nhóm trẻ ở tuổi vị thành niên, học sinh, sinh viên…
Hiện nay, tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt đề xuất bổ sung mức thu thuế tuyệt đối 2.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu và 20.000 đồng/một điếu xì gà từ ngày 1.1.2020. Tuy nhiên, WHO, Bộ Y tế khuyến nghị Việt Nam cần tăng thuế tuyệt đối ở mức 2.000 đồng hoặc 5.000 đồng mỗi bao thuốc lá vào năm 2020, đồng thời tăng tới khi đạt 70% hoặc hơn trong giá bán lẻ. Theo báo cáo của Bộ Y tế, việc tăng thuế 5.000 đồng mỗi bao có thể giảm được 1,8 triệu người hút, tránh được tử vong sớm cho 900.000 ca mỗi năm, đồng thời tăng nguồn thu ngân sách cho nhà nước lên 10.700 tỷ đồng mỗi năm.
Khảo sát ở một số quốc gia cho thấy, nếu tăng thuế để giá bán lẻ tăng thêm 10% có thể khiến 40 triệu người hút thuốc lá từ bỏ thuốc và ngăn ngừa ít nhất 10 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá. Cũng theo tính toán của các chuyên gia, tăng thuế là một trong những giải pháp quan trọng, cần thiết nhất để giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá và làm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
V.D (Theo Thời báo tài chính)