Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các bộ, ngành trung ương, UBND các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp thực hiện Nghị định 119 của Chính phủ về hóa đơn điện tử (HĐĐT), đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1.11.2018. Theo Bộ Tài chính, việc thực hiện HĐĐT góp phần cải cách hành chính, thực hiện Chính phủ điện tử, hướng tới quản lý hóa đơn thống nhất, nâng cao hiệu quả, phòng chống việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để gian lận, trốn thuế.
Lợi ích của việc áp dụng HĐĐT
Doanh nghiệp (DN) sử dụng HĐĐT tiết kiệm rất nhiều chi phí so với sử dụng hóa đơn giấy (chi phí in ấn hóa đơn, vận chuyển và không gian lưu trữ hóa đơn)... Sử dụng HĐĐT tạo sự yên tâm cho người mua hàng hóa, dịch vụ. Vì sau khi nhận HĐĐT, người mua hàng hóa, dịch vụ có thể kiểm tra ngay trên hệ thống của cơ quan thuế để biết chính xác thông tin người bán cung cấp cho người mua...
Đối với cơ quan thuế khi sử dụng HĐĐT sẽ xây dựng được cơ sở hệ thống dữ liệu về hóa đơn thống nhất, vừa tiện lợi cho cơ quan thuế và các cơ quan khác của Nhà nước trong công tác quản lý, không tốn nhiều chi phí, thời gian đối chiếu hóa đơn, góp phần ngăn chặn hóa đơn của DN bỏ trốn, mất tích; ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, trốn thuế thông qua hóa đơn. Sử dụng HĐĐT góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, khắc phục tình trạng sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, tình trạng làm giả hóa đơn; góp phần bảo vệ môi trường, không như sử dụng hóa đơn giấy.
Hóa đơn giấy được sử dụng đến hết ngày 31.10.2020
Trường hợp DN, tổ chức kinh tế đã thông báo phát hành HĐĐT không có mã của cơ quan thuế, hoặc đã đăng ký áp dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế trước ngày 1.11.2018 thì được tiếp tục sử dụng HĐĐT đang sử dụng kể từ ngày 1.11.2018. DN, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh đã thông báo phát hành hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in, hoặc đã mua hóa đơn của cơ quan thuế để sử dụng trước ngày 1.11.2018 thì được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31.10.2020.
Trong thời gian từ ngày 1.11.2018 đến ngày 31.10.2020, trường hợp cơ quan thuế thông báo cơ sở kinh doanh chuyển đổi để áp dụng HĐĐT có mã, nếu cơ sở kinh doanh chưa đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin, mà tiếp tục sử dụng hóa đơn giấy thì cơ sở kinh doanh thực hiện gửi dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế cùng với việc nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng. Đối với tổ chức sự nghiệp công lập đã sử dụng phiếu thu tiền, thì tiếp tục sử dụng phiếu thu tiền và chuyển đổi dần sang áp dụng HĐĐT (hoặc phiếu thu tiền điện tử) theo lộ trình.
Những lưu ý khi sử dụng HĐĐT
Áp dụng HĐĐT không có mã của cơ quan thuế đối với một số ngành nghề, lĩnh vực: điện lực; xăng dầu; bưu chính viễn thông; vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy; nước sạch; tài chính tín dụng; bảo hiểm; y tế; kinh doanh thương mại điện tử… Hộ kinh doanh có doanh thu từ 3 tỷ đồng/năm phải sử dụng HĐĐT.
Áp dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế đối với DN rủi ro về thuế. Cấp HĐĐT miễn phí cho các trường hợp: DN nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu năm trước liền kề từ 3 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng… Ngừng cấp HĐĐT thông thường, chuyển sang sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế nếu người nộp thuế chấm dứt hiệu lực mã số thuế; không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký; tạm ngừng kinh doanh; có thông báo của cơ quan thuế về việc ngừng sử dụng HĐĐT để thực hiện cưỡng chế nợ thuế. Thời gian hoàn thành việc chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang HĐĐT trước 1.11.2020.
VĂN DŨNG