Giảm nghèo - An sinh

Trợ lực từ chính sách hỗ trợ miền núi

ALĂNG NGƯỚC 10/09/2024 10:14

Mở hướng đi mới bằng chính sách hỗ trợ đặc thù từ các chương trình mục tiêu quốc gia đã giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại Quảng Nam thay đổi cách nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo bền vững.

ps1.jpg
Mô hình chăn nuôi bò hiệu quả của hộ bà Đồng Thị Hằng (Phước Sơn). Ảnh: CTV

Mở hướng đi mới bằng chính sách hỗ trợ đặc thù từ các chương trình mục tiêu quốc gia đã giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại Quảng Nam thay đổi cách nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo bền vững.

Chuyện ghi ở Phước Sơn

Vòng luẩn quẩn đói nghèo đã dần vơi, kể từ khi hộ bà Đồng Thị Hằng (thôn 1, xã Phước Năng, Phước Sơn) nhân rộng mô hình phát triển kinh tế chăn nuôi kết hợp trồng rừng. Chia sẻ về mô hình kinh tế hiệu quả này, bà Hằng nói, tất cả là nhờ sự đầu tư đúng hướng và những trợ lực kịp thời của các chính sách hỗ trợ thông qua nguồn vốn vay ưu đãi.

Bà Hằng là người Tày, quê ở huyện Bắc (tỉnh Lạng Sơn). Không cam phận đói nghèo, năm 2001, bà cùng gia đình dắt díu nhau đến vùng đất Phước Sơn lập nghiệp. Ban đầu từ việc làm nông, khai hoang ruộng lúa nước, vườn sắn, chăn nuôi gia cầm... nhưng do thiếu kinh nghiệm làm ăn nên cuộc sống vẫn gặp nhiều khó khăn.

Đến năm 2016, khi chính quyền địa phương hỗ trợ vốn vay, khuyến khích mở hướng phát triển bằng mô hình kết hợp giữa chăn nuôi bò và trồng keo, kinh tế gia đình bà Hằng ngày càng cải thiện.

Chỉ sau 2 năm mở hướng làm ăn, từ 3 con bò giống mua được bằng nguồn vốn vay ngân hàng chính sách, gia đình bà Hằng đã có trong tay đàn bò hơn chục con, rồi tiếp tục xoay vòng nuôi gà, heo sinh sản. Đến nay, thu nhập trung bình mỗi năm của gia đình bà đạt khoảng 100 triệu đồng, trở thành điển hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế của địa phương.

ps3.jpg
Nhiều mô hình phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả được đầu tư tại miền núi. Ảnh: CTV

“Đầu tiên, vợ chồng tôi chọn nuôi bò vì bò ít bị bệnh tật, thức ăn lại dễ kiếm. Nếu chọn được con giống tốt thì hiệu quả càng cao hơn. Trong khi đó, nguồn thu từ heo sinh sản cũng khá ổn định, mỗi năm khoảng 20 - 30 triệu đồng. Thời gian tới, vợ chồng tôi dự định sẽ đầu tư trồng cây ăn trái kết hợp trồng rừng nhằm nâng cao thu nhập” - bà Hằng chia sẻ.

Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, những năm gần đây, từ nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là các chương trình mục tiêu quốc gia đã giúp không ít hộ đồng bào địa phương thoát nghèo bền vững.

Từ đây đến năm 2025, Phước Sơn đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn khoảng 17%. Để làm được điều đó, bên cạnh tập trung triển khai hiệu quả các nguồn lực được phân bổ, địa phương tiếp tục đẩy mạnh các mô hình sản xuất hiệu quả, trong đó ưu tiên hỗ trợ cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, phù hợp với thổ nhưỡng của miền núi.

Theo ông Trung, thời gian qua, địa phương triển khai 9 dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giúp người dân nâng cao thu nhập. Ngoài ra, phối hợp tổ chức các lớp học nghề; tập huấn, hướng dẫn người dân về cách làm, cách chăm sóc cây trồng, con vật nuôi hiệu quả. Nhờ đó, nhiều hộ dân đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp, chuyển đổi mô hình sản xuất, xây dựng các nhóm hộ liên kết sản xuất để hỗ trợ nhau phát triển kinh tế...

Động lực thoát nghèo

Ông Mạc Như Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, năm 2024, với nguồn kinh phí được phân bổ gần 8 tỷ đồng, địa phương tiếp tục thực hiện 10 dự án hỗ trợ sinh kế cho người dân như hỗ trợ chăn nuôi, phát triển cây dược liệu, hỗ trợ phát triển sản phẩm bản địa..., góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững.

ps2.jpg
Các mô hình sinh kế được trợ lực từ chính sách của Nhà nước giúp nhiều hộ đồng bào miền núi thoát nghèo. Ảnh: CTV

Theo ông Phương, qua kiểm tra, đánh giá hiện nay các dự án hỗ trợ của địa phương đều cho kết quả khá tốt, nhất là các mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi trang trại kết hợp trồng cây dược liệu. Là một trong các địa phương miền núi khó khăn, những năm qua, bằng việc linh hoạt triển khai các nguồn lực theo chương trình mục tiêu quốc gia, Tây Giang hỗ trợ đa dạng sinh kế cho người dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển mô hình giảm nghèo bền vững.

“Người dân sau khi tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ đều tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi và được hỗ trợ cây giống, con giống cùng các vật tư liên quan. Từ các mô hình sinh kế này, nhiều hộ dân đã thoát nghèo bền vững. Nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được nhân rộng...” - ông Phương cho biết.

Ông Alăng Mai - Trưởng ban Dân tộc tỉnh nói, các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước thời gian qua đã tác động mạnh mẽ đến quá trình ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương miền núi.

Từ nguồn lực này, giai đoạn 2019 - 2024, Quảng Nam hỗ trợ hơn 12.777 tỷ đồng triển khai hàng nghìn dự án, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, đồng bộ cơ sở hạ tầng, từng bước thay đổi tư duy phát triển sản xuất, lập nghiệp, xây dựng đời sống nông thôn mới gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống...

Hơn 2.207 tỷ đồng thực hiện chương trình phát triển miền núi

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, đến nay tổng vốn đầu tư, hỗ trợ thực hiện chương trình tại Quảng Nam đạt hơn 2.207 tỷ đồng.

Theo đó, giai đoạn 2021 - 2024, nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 đã hỗ trợ các địa phương miền núi xây dựng 313 danh mục công trình các loại. Trong đó có 92 công trình giao thông, 53 công trình trường học, 34 công trình nước sinh hoạt, 56 nhà sinh hoạt cộng đồng và 78 công trình khác.

Ngoài ra, nguồn lực này cũng giúp chuyển đổi nghề cho 735 lao động; hỗ trợ đất ở cho 350 hộ; thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm cho 512 hộ và sắp xếp, ổn định dân cư cho 576 hộ với tổng nguồn vốn hơn 2.207 tỷ đồng.

ĐĂNG NGUYÊN

Quảng Nam có 92 cơ quan, đơn vị được phân công kết nghĩa với các xã khó khăn vùng dân tộc thiểu số

Thực hiện Chỉ thị số 16 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về tăng cường đổi mới công tác kết nghĩa giúp đỡ các huyện, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số - miền núi và biên giới đất liền, đến nay, toàn tỉnh có 92 cơ quan, đơn vị kết nghĩa với 65 xã vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn của tỉnh; 9 huyện, thị xã, thành phố đồng bằng kết nghĩa với 9 huyện miền núi và kết nghĩa đỡ đầu 14 xã biên giới đất liền của tỉnh.

Qua công tác kết nghĩa đã giúp đỡ, hỗ trợ cho các xã, huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số về tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kiến thức trong phát triển kinh tế; đồng thời xây dựng hàng trăm công trình, phần việc trị giá hàng chục tỷ đồng, góp phần giảm nghèo cho người dân và phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở vùng khó khăn. Ngoài ra, các nguồn lực từ công tác kết nghĩa cũng đã hỗ trợ, lồng ghép triển khai công tác xóa nhà tạm, đáp ứng nhu cầu ổn định chỗ ở, tạo điều kiện vươn lên thoát nghèo.

ĐĂNG NGUYÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trợ lực từ chính sách hỗ trợ miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO