(QNO) - Chung thực trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm như các địa phương khác nhưng Hội An cũng có một số nguyên nhân đặc thù khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn trung bình toàn tỉnh.
Thấp hơn trung bình toàn tỉnh
Theo số liệu của UBND TP.Hội An, đến ngày 31/10/2023, tổng giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt hơn 340 tỷ đồng. Con số này đạt khoảng 42% so với kế hoạch vốn đầu năm và đạt 55% so với kế hoạch vốn phân bổ. Trong số này, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 đã giải ngân được hơn 326 tỷ đồng (đạt 40%), kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài đã giải ngân đạt hơn 13,3 tỷ đồng (đạt 65%).
Ước thực hiện giải ngân hết năm 2023 của thành phố sẽ đạt khoảng 545/811,3 tỷ đồng (đạt 67% kế hoạch vốn giao đầu năm). Tỷ lệ giải ngân chậm chủ yếu nằm ở nguồn thu sử dụng đất do tỉnh quản lý thu (địa phương hưởng 50%) và TP.Hội An quản lý thu với tỷ lệ ước giải ngân rất thấp.
Theo Ban Kinh tế ngân sách - HĐND tỉnh, theo số liệu báo cáo từ Kho bạc Nhà nước tỉnh thì Hội An là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp nhất trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ ước giải ngân cả năm 2023 dự kiến cũng thấp hơn trung bình toàn tỉnh.
Từ nay đến cuối năm Hội An cần quyết liệt hơn để giải ngân vốn đầu tư công, nhất là với nguồn vốn kéo dài bởi nếu giải ngân không hết thì nguồn này sẽ bị cắt.
Không giải ngân vì... chưa thu được tiền
Chung thực trạng như các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công ở Hội An có nguyên nhân từ việc đơn giá nguyên, nhiên vật liệu xây dựng tăng cao, đặc biệt là giá xăng dầu và thiếu các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
Bên cạnh đó, trong 37 dự án thuộc kế hoạch đầu tư công năm 2023, đa số còn đang trong giai đoạn chuẩn bị thực hiện đầu tư, do đó chưa đủ điều kiện để thanh toán tạm ứng hoặc chưa có khối lượng thanh toán để giải ngân vốn đầu tư.
Tại buổi làm việc với Thường trực HĐND tỉnh mới đây, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp của Hội An một phần bởi tính theo dự toán đầu năm xây dựng có nguồn thu từ sử dụng đất.
"Nguồn thu từ sử dụng đất đến nay gần như là không có. Trên thực tế là Hội An không thu được nguồn này thì lấy đâu ra tiền vào ngân sách để phân bổ, giải ngân? Thành phố đã kiến nghị UBND tỉnh cần xem xét điều chỉnh chỉ tiêu này cho Hội An" - ông Nguyễn Văn Sơn nói.
Khó khăn đặc thù
Theo UBND TP.Hội An, nguồn vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh phân bổ cho TP.Hội An chỉ nằm ở một vài dự án nhưng đều gặp vướng mắc. Dự án tôn tạo di tích Cây Thông Một (địa điểm thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Nam), đã hoàn tất hồ sơ, đã tiến hành đấu thầu, khởi công thì trục trặc phải tạm dừng và quay lại thực hiện các bước từ đầu nên trong thời gian ít ỏi còn lại của năm 2023 không thể giải ngân được dự án này.
Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu (khoảng 10 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh) cũng gặp khó. Ông Nguyễn Văn Sơn thông tin, dự án này đã khởi công từ cuối năm 2022 nhưng hiện nay vẫn chưa thể thống nhất trong việc tu bổ một số chi tiết của di tích. Đáng chú ý là hai luồng ý kiến về việc tu bổ mặt cầu theo cấu trúc phẳng hay cong. Đây là di sản biểu tượng của Hội An nên không thể làm vội vã, do đó khó giải ngân sớm.
Tín hiệu đáng mừng là dự án đầu tư xây dựng công trình phòng cháy chữa cháy khu phố cổ Hội An vừa qua đã đấu thầu xong, đã có đơn vị thi công, sắp tới TP.Hội An sẽ ký hợp đồng và thanh toán, giải ngân nguồn từ dự án này.
Ông Lâm Quang Thành - Phó Trưởng ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh chia sẻ, trong bối cảnh thủ tục đầu tư công rất chặt chẽ thì quá trình giải ngân vốn của Hội An sẽ vướng khó khăn đặc thù khi một số công trình, dự án phải xin thủ tục đến cấp bộ, ngành Trung ương, còn các địa phương khác thì thuận lợi hơn, chỉ đến cấp tỉnh.