(QNO) - Trong Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phê duyệt, đáng chú ý là đã xác định được vai trò, vị thế quan trọng của kinh tế biển ở khu vực này, trong đó định vị được chỗ đứng cho Quảng Nam.
Hướng đến "đầu tàu" về kinh tế biển
Với quy hoạch vùng vừa được duyệt, tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung sẽ là khu vực đi đầu cả nước về kinh tế biển; phát triển được ít nhất 2 đô thị và một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực châu Á tại các khu kinh tế ven biển hiện đại.
Trong số các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá có xác định đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế của vùng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tập trung phát triển các ngành kinh tế biển; đưa ra các chính sách khuyến khích người dân bám biển; xây dựng các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch mang lại hiệu quả trên các vùng biển có điều kiện thuận lợi, tiềm năng cao, gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch, phát huy tối đa lợi thế của vùng.
Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng xác định phát triển kinh tế biển nhanh, bền vững, nhất là các ngành về dịch vụ, công nghiệp, du lịch biển, kinh tế hàng hải; phát triển đô thị ven biển gắn kết hài hòa với khai thác dầu khí và các tài nguyên, khoáng sản biển; phát triển nuôi trồng, khai thác, chế biến, hải sản đi đôi với bảo vệ môi trường biển; phát triển công nghiệp ven biển và ngoài khơi...
Mục tiêu đặt ra trong quy hoạch là nâng tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển lên khoảng 50% GRDP của vùng, là động lực chính phát triển kinh tế; đồng thời góp phần bảo đảm an ninh - quốc phòng và chủ quyền biển, đảo; bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển.
Mục tiêu của Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung sẽ là vùng phát triển nhanh, bền vững, đi đầu cả nước về kinh tế biển. Hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, xanh, thông minh.
Quy hoạch đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế của vùng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tập trung phát triển các ngành kinh tế biển. Phát triển mạnh một số ngành công nghiệp như công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip, dịch vụ tài chính, thương mại, logistics.
Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; hình thành các trung tâm nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ mới như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng sạch.
Xây dựng một số cụm liên kết ngành công nghiệp có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế cao. Nâng tỷ trọng đóng góp của khu vực công nghiệp vào GRDP của vùng đạt khoảng 25-35%. Ưu tiên sản xuất năng lượng tái tạo tại Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận…
Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh, thành phố trải dọc ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Theo mục tiêu của quy hoạch, đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 165 triệu đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 48%; phấn đấu có khoảng 1.554km đường bộ cao tốc.
Chỗ đứng của Quảng Nam
Theo quy hoạch vùng được duyệt, trong lĩnh vực công nghiệp, Quảng Nam được định vị tập trung thu hút đầu tư các ngành công nghiệp có lợi thế như sản xuất ô tô; luyện kim, cơ khí chế tạo, chế biến thép; chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ; chế biến nông, thủy sản; công nghiệp dược liệu. Theo bản quy hoạch được duyệt, Quảng Nam nằm trong nhóm các địa phương có nhiều ngành công nghiệp thế mạnh bậc nhất của vùng.
Quảng Nam cũng là một trong các địa phương được quy hoạch ưu tiên sản xuất năng lượng tái tạo; ưu tiên nghiên cứu ứng dụng sản xuất hydrogen xanh tại một số khu vực có điều kiện, đảm bảo phù hợp với quy hoạch quốc gia.
Về lĩnh vực dịch vụ, du lịch sẽ được tập trung phát triển để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đưa vùng trở thành khu vực trọng điểm du lịch của cả nước theo 3 khu vực động lực phát triển du lịch quốc gia. Trong đó, khu vực động lực số 2 được định vị gồm Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Quảng Nam được định hướng tập trung phát triển các loại thủy sản có giá trị cao; chăn nuôi bò thịt, bò sữa chất lượng cao; phát triển cây dược liệu dưới tán rừng…
Quảng Nam nằm trong tiểu vùng Trung Trung Bộ cùng với Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Ngãi - Bình Định được xác định trở thành tiểu vùng động lực của vùng và là khu vực tăng trưởng quan trọng về công nghiệp, dịch vụ cao cấp, đô thị biển; khu vực tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế. Trong đó xây dựng trung tâm công nghiệp cơ khí và công nghiệp phụ trợ tại Khu kinh tế mở Chu Lai; xây dựng Quảng Nam trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu của vùng.
Đáng chú ý quy hoạch xác định ưu tiên nâng cấp, phát triển cảng hàng không Chu Lai thành cảng hàng không trung chuyển quốc tế; đồng thời tại cảng hàng không Chu Lai hình thành trung tâm logistics trung chuyển hàng hóa quốc tế, trung tâm bảo dưỡng và sửa chữa tàu bay của khu vực, trung tâm đào tạo và huấn luyện bay.
Trong phương hướng xây dựng hệ thống đô thị, Hội An được xác định sẽ cùng 5 đô thị khác của vùng trở thành đô thị trung tâm du lịch quốc gia. Hội An cũng được quy hoạch là 1 trong số các trung tâm du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng mang tầm quốc tế gắn với định hướng phát triển kinh tế đêm.