Văn hóa

Độc đáo bộ sưu tập đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh

AN TRƯỜNG 11/01/2025 11:19

(VHQN) - Tại Quảng Nam, di tích thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh đầu tiên được phát hiện vào năm 1977 ở Bàu Trám, trên bờ hữu ngạn sông Vĩnh An (thuộc xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành).

doan-khao-co-chup-an-luu-niem-tai-ho-khai-quat-trong-dot-khai-quat-lan-2-nam-2003.jpg
Đoàn khảo cổ chụp ảnh lưu niệm tại Hố khai quật trong đợt khai quật lần 2 - năm 2003.

Từ đó đến nay, phát hiện hơn 100 địa điểm có di tích văn hóa Sa Huỳnh, phân bố chủ yếu ở lưu vực sông Thu Bồn. Trong đó có hơn 50 địa điểm được khai quật, thám sát. Đặc biệt, khu mộ chum Lai Nghi (Điện Bàn) ngay sau phát hiện đã gây chú ý lớn trong giới khảo cổ. Các nhà khảo cổ học nhận định chủ nhân của khu mộ chum Lai Nghi là những người có địa vị cao trong xã hội Sa Huỳnh thời bấy giờ...

Thực hiện 3 đợt khai quật quy mô

Vào khoảng năm 1995, tại khu vườn nhà bà Hà Thị Nuôi (Lai Nghi, xã Điện Nam, huyện Điện Bàn nay thuộc phường Điện Nam Đông), người dân địa phương phát hiện một số đồ sắt bị han gỉ nặng cùng nhiều mảnh gốm của mộ chum, đồ gốm tùy táng nằm trong lòng đất.

hat-chuoi-vang-hoac-thuy-tinh-ma-vang-phat-hien-tai-lai-nghi.jpg
Hạt chuỗi vàng hoặc thủy tinh mạ vàng phát hiện tại Lai Nghi.

Những thông tin ít ỏi đó được các nhà khảo cổ học chú ý đến. Nhưng vì nhiều lý do, phải đến hơn 7 năm sau, di tích mới được nghiên cứu và thực hiện khai quật quy mô trong 3 đợt vào các năm từ 2002 đến 2004.

Qua 3 đợt khai quật, với diện tích khai quật chỉ 192m2 nhưng các nhà khảo cổ phát hiện được 63 mộ chum và dấu vết 4 mộ đất của người cổ Sa Huỳnh. Cùng với đó là số lượng đồ sộ đồ tùy táng được chôn theo, gồm có trên 300 đồ gốm, 50 hiện vật bằng đồng, khoảng 100 công cụ và vũ khí bằng sắt. Hiện vật bằng đồng như gương, đỉnh, ấm, xanh, chậu, bát…

hat-chuoi-va-khuyen-tai-bang-vang-phat-hien-tai-lai-nghi.jpg
Hạt chuỗi và khuyên tai bằng vàng phát hiện tại Lai Nghi.

Đặc biệt, đồ trang sức phát hiện ở Lai Nghi rất đa dạng, phong phú với nhiều loại hình, nhiều chất liệu. Từ khuyên tai 3 mấu, khuyên tai hình vành khăn bằng đá, 4 chiếc khuyên tai bằng vàng, khoảng 10 nghìn hạt cườm tấm bằng thủy tinh, hàng trăm hạt chuỗi bằng mã não, 122 hạt chuỗi bằng vàng và thủy tinh dát vàng…

Có thể nói, cho đến nay, chưa có di tích nào trong hệ thống văn hóa Sa Huỳnh có số lượng đồ trang sức nhiều như khu mộ chum Lai Nghi. Qua kết quả phân tích phóng xạ cacbon (C14), các nhà khảo cổ cho biết khu mộ chum Lai Nghi có niên đại cách nay 2070 năm ± 70 năm.

Đồ trang sức độc đáo, độc bản

Qua 3 đợt khai quật, có hai di vật làm các nhà nghiên cứu hết sức thán phục. Đó là một hạt chuỗi hồng mã não được chạm hình con chim nước - một loại chim quen thuộc đối với cư dân vùng Đông Nam Á. Theo các nhà khảo cổ, trước đây đã tìm thấy vài hiện vật tương tự ở Thái Lan và Indonesia.

cac-loai-hinh-khuyen-tai-vanh-khan-khuyen-tai-3-mau-phat-hien-tai-lai-nghi.jpg
Các loại hình khuyên tai vành khăn - khuyên tại 3 mấu phát hiện tại Lai Nghi.

Di vật thứ hai là một hạt chuỗi hồng mã não chạm trổ hình con hổ. Cả hai di vật đều có khoan lỗ để xỏ dây; đáng chú ý là mặc dù hai hạt chuỗi có kích thước nhỏ nhưng hình dáng các con vật được thể hiện rất sinh động.

Khu mộ chum Lai Nghi là di tích mộ táng văn hóa Sa Huỳnh đầu tiên phát hiện những con vật bằng đá mã não. Đặc biệt, hiện vật đá mã não tạo tác hình con chim nước là tiêu bản duy nhất được phát hiện ở Việt Nam.

Loại hình trang sức khác cũng là phiên bản độc đáo, độc bản được phát hiện tại khu mộ chum Lai Nghi là 4 chiếc khuyên tai bằng vàng. Hồ sơ đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia mô tả rằng, 3 trong 4 chiếc khuyên tai này được làm bằng vàng với tỉ lệ 99,8-99,9%.
Theo ông Nguyễn Chiều - Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội - thành viên tham gia cả 3 đợt khai quật, các khuyên tai vàng được phát hiện đầu tiên trong văn hóa Sa Huỳnh. Bên cạnh 4 khuyên tai vàng này, số lượng hạt chuỗi bằng vàng hoặc dát vàng được phát hiện tại di chỉ này cũng gây bất ngờ cho đoàn khai quật và các nhà khảo cổ.

Loại hạt chuỗi vàng hoặc dát vàng này có hình dáng như hai hình nón cụt úp vào nhau, chính giữa thân nối thành đường gờ, hai đầu phẳng và có lỗ xuyên dọc thân. Loại hạt chuỗi này có thể được làm bằng phương pháp dập khuôn bao ngoài, dập lỗ bên trong tạo thành hạt chuỗi rỗng ruột. Hạt chuỗi này tuy nhẹ nhưng rất chắc chắn và ít bị méo mó.

do-tuy-tang-phat-lo-trong-mo-chum-tai-lai-nghi.jpg
Đồ tùy táng phát lộ trong mộ chum tại Lai Nghi.

TS. Andreas Renecker - người tham gia rất nhiều cuộc khai quật tại các di chỉ tại Việt Nam, nhận định, Lai Nghi là di chỉ có số lượng hạt chuỗi bằng vàng phát hiện được nhiều nhất trong các di tích Sa Huỳnh được phát hiện từ trước đến nay ở Việt Nam.

Sự đa dạng về loại hình và mức độ tinh tế của kỹ thuật sản xuất đồ trang sức ở Lai Nghi cho thấy sức sáng tạo, tư duy thẩm mỹ, kỹ năng và trình độ của cư dân cổ Sa Huỳnh. Điều này cũng cho thấy vai trò của văn hóa Sa Huỳnh trong mạng lưới thương mại trong khu vực và quốc tế từ thế kỷ 3 Trước công nguyên đến giữa thế kỷ 1 Công nguyên.

Chính sự độc đáo, độc bản và rất có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ; đồng thời là những hiện vật quý hiếm trong các nền văn minh cổ đại ở khu vực nói chung, UBND tỉnh Quảng Nam đã lập hồ sơ khoa học trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia đối với các hiện vật thuộc bộ sưu tập trang sức vàng và hiện vật mã não hình động vật ở khu mộ táng Lai Nghi hiện được lưu giữ tại kho hiện vật Bảo tàng Quảng Nam.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Độc đáo bộ sưu tập đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO