Ấn tượng bảo hiểm xã hội tự nguyện

LÊ DIỄM 14/02/2020 11:48

Là một chính sách ra đời sau trong các chính sách của ngành bảo hiểm xã hội (BHXH), BHXH tự nguyện đã đạt được mốc phát triển ấn tượng. Thực hiện chính sách này là một trong những bước đi nhằm hướng tới chính sách BHXH đa tầng như tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH.

Hàng loạt buổi tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện đã được tổ chức trong toàn tỉnh để đưa chính sách đến người dân. Ảnh: D.L
Hàng loạt buổi tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện đã được tổ chức trong toàn tỉnh để đưa chính sách đến người dân. Ảnh: D.L

Nhiều cách tiếp cận

Từ những gươl ở các trung tâm xã vùng cao đến nhà sinh hoạt cộng đồng thôn ở xã miền đồng bằng, những buổi tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện được tổ chức liên tục trong 2 năm qua. Những buổi tuyên truyền có thể diễn ra ban ngày hoặc ban đêm, làm sao phù hợp và thuận tiện để bà con nhân dân đến tham gia được. Nói như ông Trần Luận - Giám đốc BHXH huyện Bắc Trà My thì việc tổ chức hội nghị tuyên truyền là cho người dân nghe, không có người dân thì không hoàn thành công việc. Thế nên, buổi tối là thời điểm tốt nhất để tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện cho người dân ở miền núi, do ban ngày họ bận đi làm nương rẫy.

Ông Luận cho biết: “BHXH và Bưu điện huyện Bắc Trà My đã cùng nhau đi tuyên truyền chính sách BHXH cho người dân vào ban đêm là chính. Điều kiện kinh tế của người dân ở huyện còn khó khăn, nên chủ yếu tập trung vào nhóm người dân có nguồn thu nhập ổn định như hộ kinh doanh, buôn bán, làm rừng. Với sự cố gắng của cán bộ chuyên trách phát triển BHXH tự nguyện, đến nay toàn huyện đã có 367 người tham gia BHXH tự nguyện”.

Cán bộ tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện ở miền núi phải là người tại chỗ để giúp người dân hiểu chính sách tốt hơn. Ảnh: D.L
Cán bộ tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện ở miền núi phải là người tại chỗ để giúp người dân hiểu chính sách tốt hơn. Ảnh: D.L

Ở huyện miền núi Tây Giang, những buổi tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện luôn được tổ chức với sự có mặt của chính quyền xã. Bởi nếu không có chính quyền nói, người dân không tin tưởng và không tham gia vào chính sách, “vì người dân sợ nộp tiền vào rồi không biết có lấy lại được không” như lời ông ALăng Chiếc - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban Công tác mặt trận thôn A Xur (xã Dang) đã nói. Thế nên, việc sử dụng những cán bộ tuyên truyền cũng phải là người đồng bào Cơ Tu để có thể nói chuyện, giải thích chính sách với đồng bào rõ ràng hơn, giúp họ hiểu và tham gia. Cán bộ, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng chính là cánh tay nối dài, giúp BHXH các huyện miền núi đưa chính sách BHXH tự nguyện đến với người dân hiệu quả hơn.

Hoàn thiện chính sách

Chính sách BHXH tự nguyện là một bước đi để hoàn thiện chính sách BHXH đa tầng theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW. Người dân tham gia vào chính sách có thể là nông dân, thợ xây, thợ mộc, tiểu thương... Họ là những người không đi làm hưởng lương hàng tháng, nên khi có chính sách BHXH tự nguyện sẽ giúp họ có điều kiện được hưởng lương khi hết tuổi lao động.

Như chị Lý Thị Tuyết Diễm (xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước) năm nay đã hơn 40 tuổi, chưa từng đi làm hưởng lương vì vợ chồng chị làm nghề nông. Dù điều kiện kinh tế chưa gọi là sung túc, nhưng chị đã bàn bạc với chồng tham gia chính sách BHXH tự nguyện để sau này khỏi phải cậy nhờ con cháu khi không thể lao động được nữa. Chị Diễm đã chọn mức tham gia BHXH tự nguyện 700 nghìn đồng/tháng, và ngay trong buổi nghe BHXH huyện Tiên Phước tuyên truyền chính sách, chị đã quyết định dùng số tiền tiết kiệm đóng BHXH tự nguyện theo hình thức 5 năm đóng 1 lần. Với hình thức này, chị Diễm chỉ cần đóng 3 lần là có thể hưởng lương hưu khi đủ tuổi theo quy định.

Với sự phấn đấu của ngành BHXH từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố, cùng với sự phối hợp tích cực của Mặt trận các cấp, các hội đoàn thể, ngành Bưu điện... số người tham gia BHXH tự nguyện của tỉnh đã tăng vượt trội trong năm 2019, với 6.674 người. Tham gia BHXH tự nguyện, người dân được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất theo quy định của Luật BHXH năm 2014. Mục tiêu của tỉnh phấn đấu đến năm 2021 có 35% lực lượng lao động tham gia BHXH thì tương ứng có 45% người về hưu được hưởng lương hưu, đến năm 2030 đạt 60% sẽ có 55% lao động hưởng hưu trí. Mục tiêu cải cách không chỉ quan tâm đến lao động khu vực chính thức mà còn chú trọng đến lao động là nông dân, lao động khu vực phi chính thức. Muốn thực hiện đạt mục tiêu này, chính sách BHXH tự nguyện đã được Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam kiến nghị đến Chính phủ cần mở rộng quyền lợi khi người dân tham gia BHXH tự nguyện. Chính sách BHXH tự nguyện sẽ được cải cách bằng cách bổ sung 3 gói quyền lợi, gồm BHXH tự nguyện hiện hành bổ sung chế độ thai sản; chế độ ốm đau; chế độ trợ cấp gia đình, trẻ em. Đồng thời thời gian tham gia BHXH tự nguyện cũng được BHXH Việt Nam kiến nghị cần rút ngắn xuống còn 10 năm để thu hút người dân tham gia hiệu quả hơn, hướng đến mục tiêu mọi người đều có lương hưu khi về già.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ấn tượng bảo hiểm xã hội tự nguyện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO