Chuyện đầu tuần

Đột phá... điểm nghẽn

LÊ VĂN 04/03/2024 07:02

Tại hội nghị góp ý giữa kỳ Quy hoạch tỉnh Quảng Nam vào đầu tháng 6/2022, bên cạnh nhiều ý kiến phân tích, bàn thảo, gợi ý sâu sắc về việc phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương nhằm tạo ra những đột phá phát triển; có một chuyên gia nêu vấn đề: “Theo tôi (chuyên gia - NV), còn có một đột phá khác rất cần lưu tâm, đó là đột phá vào chính những điểm yếu, điểm nghẽn lâu nay. Giải quyết hiệu quả những điểm này, cũng tạo ra sự đột phá!”.

Kế đó, ông chỉ ra khá nhiều hạn chế, yếu kém đang hiện hữu của nền kinh tế Quảng Nam, tỷ như: cơ cấu kinh tế chưa hợp lý; thu hút đầu tư nước ngoài chưa tương xứng với vị thế của địa phương; sản xuất nông nghiệp lạc hậu; môi trường đầu tư thiếu sự thông thoáng; quy hoạch, đầu tư, phát triển đô thị nhiều bất cập…

Thực tiễn Quảng Nam mấy năm qua cho thấy, những hạn chế, bất cập mà vị chuyên gia đã nêu vẫn còn hiệu hữu; dĩ nhiên, nhiều vấn đề rất khó thay đổi mang tính đột phá một sớm, một chiều.

Trong bối cảnh năm 2023, Quảng Nam gặp khó khăn, trở ngại nhiều hơn là thuận lợi; trên rất nhiều diễn đàn, nhiều kênh thông tin, những ý kiến, kiến nghị về những “điểm nghẽn” của địa phương cũng nhiều hơn, thường xuyên hơn, bức xúc hơn.

Đáng chú ý, hội nghị Tỉnh ủy cuối năm 2023 đã dành rất nhiều thời gian mổ xẻ, phân tích sâu những hạn chế, khuyết điểm trong nhiều lĩnh vực với tinh thần thẳng thắn, quyết liệt và thậm chí không ngại va chạm; nhất là khi văn kiện trình hội nghị chính thức thừa nhận, có tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức các cấp né tránh trách nhiệm, ngại vạ chạm, thiếu quyết liệt, thiếu tâm huyết với công việc, đùn đẩy…

Một người làm trong lĩnh vực thu hút đầu tư, từng tỏ ra tiếc nuối với người viết bài này, khi cung cấp thông tin một tập đoàn nước ngoài đã bày tỏ quyết tâm đặt “đại bản doanh sản xuất” ở Quảng Nam với vốn đầu tư vài tỷ đô la Mỹ, nhưng phút cuối, họ buộc phải chuyển đến địa phương khác vì những ách tắc mà địa phương không “gỡ” được!

Còn rất nhiều câu chuyện khác liên quan, chẳng hạn: rất khó thuyết phục khi chỉ vì vướng một vài hộ dân mà cả chục năm, dự án đầu tư một tuyến đường trọng điểm không thông được tuyến; một số dự án phải chuyển trả lại vốn cho Trung ương vì không xử lý xong mặt bằng trong nhiều năm, trong khi kinh phí của địa phương vô cùng hạn hẹp; nhiều đề xuất giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp vẫn chưa thể có lối ra…

Nguyên nhân khách quan có thể được giải thích với sự đồng cảm, đồng thuận vì tình hình chung; nhưng những nguyên nhân chủ quan mới là vấn đề cần được nhìn nhận thấu đáo và tìm giải pháp xử lý hiệu quả.

Dịp cuối năm Quý Mão và những ngày đầu năm mới Giáp Thìn này, câu chuyện về “khát vọng Quảng Nam” lại trở thành “điểm nhấn” thời sự sôi nổi trên nhiều diễn dàn, qua nhiều ý kiến tâm huyết của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo chủ chốt của tỉnh hiện nay.

“Chấn chỉnh đội ngũ”; “lan tỏa mạnh mẽ khát vọng”; “không ai đứng ngoài cuộc”; “làm rõ trách nhiệm”; ‘củng cố tổ chức”… là những cụm từ được nhấn mạnh khá dày trong diễn ngôn của lãnh đạo tỉnh tại các hội nghị, các cuộc làm việc với các ngành, địa phương ngay trong những ngày đầu xuân mới.

Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết, tại hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng toàn tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 mới đây thông tin, tháng 3 này, cả hệ thống chính trị của tỉnh sẽ triển khai đợt sinh hoạt chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với nội dung “cam kết” của mỗi cán bộ, đảng viên về việc chống lại biểu hiện sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, không làm đúng, không làm đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao.

Tháng 3 này, Quảng Nam cũng sẽ tổ chức sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng: công bố Quy hoạch tỉnh và khai mạc Năm phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia - Quảng Nam 2024.

Khát vọng phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn mới sẽ thể hiện rõ nét tại sự kiện này. Nhưng bên cạnh mục tiêu và khát vọng cháy bỏng là không ít những thách thức mà Quảng Nam đang phải đối diện, buộc phải tìm ra lời giải.

Đơn cử như chỉ tiêu tăng trưởng GRDP bình quân trên 8%/năm cho cả giai đoạn 2021 - 2030 được xác định trong quy hoạch; song dự báo giai đoạn 2021 - 2025, địa phương rất khó đạt con số tăng trưởng như chỉ tiêu đề ra là 7 - 7,5%! Và tính đến thời điểm này, chỉ còn 7 năm để hiện thực hóa mục tiêu đặt ra trong quy hoạch!

Tiến sĩ Trần Du Lịch, cùng nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu đất nước, từng nhận định, với nền tảng, tiềm năng, lợi thế, vị trí địa chính trị đặc biệt, riêng có, Quảng Nam có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế hai con số trong khoảng chục năm liền. Điều này hoàn toàn có cơ sở!

Trở lại với câu chuyện của hiện tại, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng trong một hội nghị, từng nêu ra một câu hỏi rất thẳng thắn: “Có những chủ doanh nghiệp tâm sự với tôi, họ đầu tư vào nhiều tỉnh khác thì rất dễ, nhưng về Quảng Nam quá khó. Tại sao như vậy?”.

Hơn lúc nào hết, câu hỏi này đang cần trả lời thỏa đáng. Và trách nhiệm phải trả lời, dĩ nhiên thuộc về mỗi cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở, “không ai có thể đứng ngoài cuộc”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đột phá... điểm nghẽn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO