(QNO) - Hỏi: Những người tham gia BHXH tự nguyện đã đủ điều kiện về tuổi đời và số năm đóng thì thời điểm nào được hưởng chế độ hưu trí?
Trả lời: Vấn đề bạn đọc hỏi được quy định cụ thể tại Điều 5 Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18.2.2016 của Bộ LĐ-TB&XH ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện. Theo đó:
1. Thời điểm hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 76 của Luật BHXH và Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 134/2015/NĐ-CPđược thực hiện như sau:
a) Thời điểm hưởng lương hưu là ngày 1 tháng liền kề sau tháng sinh của năm mà người tham gia BHXH đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP. Trường hợp tháng sinh là tháng 12 thì thời điểm hưởng lương hưu là ngày 1 của tháng 1 năm liền kề sau năm mà người tham gia BHXH đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Ví dụ: Bà A sinh ngày 1.12.1967, có thời gian đóng BHXH là 22 năm từ tháng 7.1995 đến tháng 6.2017. Thời điểm hưởng lương hưu của bà A được tính từ ngày 1.1.2018.
b) Trường hợp không xác định được ngày sinh, tháng sinh của người tham gia BHXH (chỉ có năm sinh) thì thời điểm hưởng lương hưu là ngày 1 tháng 1 của năm liền kề sau năm người tham gia BHXH đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP.
c) Trường hợp người tham gia BHXH đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP mà vẫn tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện thì thời điểm hưởng lương hưu là ngày 1 tháng liền kề sau tháng dừng đóng BHXH tự nguyện và có yêu cầu hưởng lương hưu.
Ví dụ: Ông B sinh ngày 21.8.1957, tính đến hết tháng 8.2017 có 20 năm đóng BHXH. Ông B vẫn tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện đến hết tháng 12.2017. Trong tháng 12.2017, ông B có yêu cầu hưởng lương hưu. Thời điểm hưởng lương hưu của ông B được tính từ ngày 1.1.2018.
2. Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện đóng một lần cho những năm còn thiếu theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 thông tư này để đủ điều kiện hưởng lương hưu thì thời điểm hưởng lương hưu được tính từ ngày 1 tháng liền kề sau tháng đóng đủ số tiền cho những năm còn thiếu.
Ví dụ: Tháng 8.2016, bà C đủ 55 tuổi và có 17 năm 6 tháng đóng BHXH. Bà C có nguyện vọng đóng BHXH tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng. Ngay trong tháng 8.2016 bà C đóng đủ số tiền cho những năm thiếu cho cơ quan BHXH. Như vậy, thời điểm hưởng lương hưu của bà C được tính từ ngày 1.9.2016.
Ví dụ: Ông D tính đến hết tháng 3.2017 đủ 60 tuổi và có 18 năm 5 tháng đóng BHXH. Ông D có nguyện vọng đóng BHXH tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng. Cho đến tháng 6.2018 ông D mới đóng đủ số tiền cho những năm còn thiếu cho cơ quan BHXH. Như vậy, thời điểm hưởng lương hưu của ông D được tính từ ngày 1.7.2018.
Hỏi: Mức lương hưu hằng tháng của quân nhân hiện nay và những năm tới được tính như thế nào?
Trả lời: Theo Điều 9 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10.5.2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân:
1. Mức lương hưu hằng tháng của quân nhân,công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu (sau đây gọi chung là người lao động (NLĐ)) được tính bằng tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
2. Tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu hằng tháng của NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại Khoản 2 Điều 54 Luật BHXH được tính như sau:
a) NLĐ bắt đầu hưởng lương hưu hằng tháng trong khoảng thời gian từ ngày 1.1.2016 đến trước ngày 1.1.2018, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%;
b) Lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu hằng tháng kể từ ngày 1.1.2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%;
c) Lao động nam bắt đầu hưởng lương hưu hằng tháng kể từ ngày 1.1.2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng BHXH theo quy định dưới đây, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%:
- Năm bắt đầu hưởng lương hưu là 2018: Thời gian đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 45% là 16 năm;
- Năm bắt đầu hưởng lương hưu là 2019: Thời gian đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 45% là 17 năm;
- Năm bắt đầu hưởng lương hưu là 2020: Thời gian đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 45% là 18 năm;
- Năm bắt đầu hưởng lương hưu là 2021: Thời gian đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 45% là 19 năm;
- Từ 2022 trở đi, thời gian đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 45% là 20 năm.
3. Mốc tuổi để tính số năm nghỉ hưu trước tuổi làm cơ sở tính giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu quy định tại Khoản 3 Điều 56 Luật BHXH, được xác định như sau:
a) NLĐ quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 8 nghị định này làm việc trong điều kiện bình thường thì lấy mốc tuổi để tính là đủ 55 tuổi đối với nam và đủ 50 tuổi đối với nữ;
b) NLĐ quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 8 nghị định này thì lấy mốc tuổi để tính là đủ 50 tuổi đối với nam và đủ 45 tuổi đối với nữ;
c) Trường hợp hồ sơ của NLĐ không xác định được ngày, tháng sinh thì lấy ngày 1.1 của năm sinh để tính tuổi làm cơ sở tính số năm nghỉ hưu trước tuổi.
4. Cách tính giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu hằng tháng do nghỉ hưu trước tuổi thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 56 Luật BHXH.