Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)

BẢO HIỂM XÃ HỘI TỈNH QUẢNG NAM 26/09/2019 14:16

(QNO) - Hỏi: Tỷ lệ lương hưu của người tham gia BHXH tự nguyện được tính thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29.12.2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện, từ ngày 1.1.2018 trở đi, mức lương hưu hằng tháng của người tham gia BHXH tự nguyện theo Điều 74 của Luật BHXH được quy định như sau:

- Với lao động nữ, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%;

- Với lao động nam, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng BHXH theo quy định dưới đây, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%:

+ Năm nghỉ hưu 2018, số năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 45% là 16 năm;

+ Năm nghỉ hưu 2019, số năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 45% là 17 năm;

+ Năm nghỉ hưu 2020, số năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 45% là 18 năm;

+ Năm nghỉ hưu 2021, số năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 45% là 19 năm;

+ Năm nghỉ hưu từ 2022 trở đi, số năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 45% là 20 năm.

Hỏi: Đề nghị cho biết nhiệm vụ, quyền hạn của BHXH Việt Nam và của BHXH tỉnh trong việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), BHYT?

Trả lời: Vấn đề bạn đọc hỏi đã được quy định cụ thể tại Điều 5 và Điều 7 Nghị định số 21/2016/NĐ-CP ngày 31.3.2016 của Chính phủ ban hành quy định việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT của cơ quan BHXH.

- Điều 5 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của BHXH Việt Nam trong việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT:

1. Hằng năm, căn cứ định hướng chương trình thanh tra của Thanh tra Chính phủ, của các cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, BHTN, BHYT, BHXH Việt Nam xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT; gửi kế hoạch thanh tra để báo cáo Thanh tra Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, BHTN, BHYT.

2. Thanh tra những vụ việc khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHTN, BHYT hoặc khi được người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, BHTN, BHYT giao.

3. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra của BHXH Việt Nam và BHXH cấp tỉnh.

4. Tổng hợp, báo cáo kết quả công tác thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT theo quy định của pháp luật thanh tra với các cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, BHTN, BHYT.

5. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

- Điều 7 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của BHXH cấp tỉnh trong việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT:

1. Hằng năm, căn cứ Định hướng chương trình thanh tra của BHXH Việt Nam, Thanh tra cấp tỉnh, cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, BHTN, BHYT tại địa phương, BHXH cấp tỉnh xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT trên địa bàn tỉnh; gửi kế hoạch thanh tra để báo cáo BHXH Việt Nam, Thanh tra cấp tỉnh và cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, BHTN, BHYT trên địa bàn tỉnh.

2. Thanh tra những vụ việc khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHTN, BHYT hoặc khi được người đứng đầu cơ quan quy định tại Khoản 1 điều này giao.

3. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra về đóng BHXH, BHTN, BHYT của BHXH cấp tỉnh.

4. Tổng hợp, báo cáo kết quả công tác thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT theo quy định của pháp luật thanh tra với các cơ quan quy định tại Khoản 1 điều này.

5. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO