Giảm nghèo - An sinh

Chính sách bảo hiểm xã hội: Điểm tựa sau tuổi lao động

MỸ LỆ 05/03/2024 05:44

Cuộc sống về già có lương hưu hàng tháng và chính sách bảo hiểm y tế đã giúp người lao động an tâm ở tuổi xế chiều.

1.-luong-huu.jpg
Người về hưu an tâm vì Nhà nước liên tục điều chỉnh tăng lương hưu, giúp cải thiện đời sống. Ảnh: MỸ LỆ.

Vợ chồng ông Lê Tới và bà Lê Thị Tuyết Mai (phường Cẩm Châu, Hội An) đã ngoài tuổi 60 nhưng vẫn khỏe mạnh và luôn vui vẻ. Bên cạnh mảnh vườn nhỏ trồng các loại rau, cây trái thiết yếu hàng ngày và buôn bán tạp hóa nhỏ, cả hai vợ chồng đều yên tâm vì có lương hưu để trang trải cuộc sống hằng tháng.

Ông Lê Tới tâm sự, nhờ tham gia chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) trước đây nên bây giờ có lương hưu và bảo hiểm y tế (BHYT), do đó vợ chồng ông rất yên tâm.

“Mỗi người khi còn trẻ cố gắng tham gia đóng BHXH, đó là một chính sách tối ưu của Nhà nước, giúp chúng ta có nhiều quyền lợi và có điều kiện trang trải cuộc sống khi hết tuổi lao động.

Chẳng hạn như tôi bây giờ, không làm việc nữa, nhưng vẫn có khoản thu nhập ổn định từ BHXH để chăm lo cho bản thân lúc về già, giảm áp lực cho con cái.

Cho nên việc tham gia đóng BHXH để có lương hưu là hết sức ý nghĩa và cần thiết, nhất là những lúc không còn lao động như bây giờ” - ông Tới chia sẻ.

2.-luong-huu.jpg
Chính sách BHXH đang trở thành điểm tựa vững vàng cho rất nhiều người lao động khi về già. Ảnh: MỸ LỆ

Người bạn đời của ông Tới là bà Lê Thị Tuyết Mai, khi hết tuổi lao động theo quy định, không đủ điều kiện để nhận lương hưu hằng tháng.

Nhờ có chính sách liên kết và bảo lưu giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện đã giúp bà Mai an tâm bằng cách đóng bổ sung 94 tháng BHXH tự nguyện để đảm bảo thời gian tham gia BHXH tối thiểu. Qua đó, đến tháng 7/2018 bà Mai đủ điều kiện được thụ hưởng chế độ hưu trí.

Với bà Bùi Thị Búp (phường Cẩm Châu) về hưu đến nay được 18 năm. Thời điểm mới về hưu, mức lương của bà chỉ có hơn 3,7 triệu đồng/tháng. Sau các lần Nhà nước điều chỉnh tăng lương thì đến nay lương hưu của bà hơn 5,5 triệu đồng/tháng.

“Nhà nước quan tâm nâng lương cho hưu trí thì tôi rất vui mừng, phấn khởi. Thật ra mức lương hưu không nhiều so với mức sống hiện nay; được tăng thì sẽ thong thả hơn một chút, dù sao như vậy cũng là quý lắm rồi” - bà Búp nói.

Thực tế cho thấy, dù tỷ lệ % hưởng lương hưu khá cao, tối đa 75% nhưng do mức đóng thấp, thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu ngắn, tình trạng người lao động nghỉ hưu trước tuổi nhiều, đóng không đúng mức tiền lương, thu nhập thực tế tại một số đơn vị sử dụng lao động… dẫn đến mức hưởng lương BHXH hiện nay của nhiều người lao động còn thấp. Đây cũng là vấn đề được BHXH Việt Nam đặc biệt quan tâm và đề xuất phương án thay đổi trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).

Hiện nay, TP.Hội An có hơn 3.700 người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng. Chính sách BHXH đang trở thành điểm tựa vững vàng cho rất nhiều người lao động khi về già.

Việc được hưởng các chính sách hỗ trợ, cơ bản nhất và cũng thiết thực nhất là tiền lương và chế độ khám chữa bệnh miễn phí giúp chất lượng sống của người dân sau khi hết tuổi lao động được nâng lên đáng kể.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chính sách bảo hiểm xã hội: Điểm tựa sau tuổi lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO