Tòa soạn & bạn đọc

Hỏi - đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)

D.L 23/02/2024 10:03

(QNO) - Hỏi: Tôi nhập ngũ tháng 8/1985, xuất ngũ tháng 5/1989. Tháng 1/2008, tôi đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, đến tháng 4/2012 thì tham gia BHXH bắt buộc, giữ chức vụ chủ tịch hội cựu chiến binh xã. Tôi chưa hưởng chế độ một lần theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg thì có được cộng nối thời gian trong quân đội vào thời gian đóng BHXH không?

bhxh2.jpg
Người lao động đóng BHXH đủ thời gian theo quy định sẽ được hưởng lương hưu. Ảnh: D.L

Trả lời: Theo khoản 2 Điều 23 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc:

Quân nhân, công an nhân dân phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 15/12/1993, sau đó chuyển sang làm việc có tham gia BHXH bắt buộc tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động mà không hưởng chế độ trợ cấp theo các quy định dưới đây (điểm a khoản 1 Điều 1 Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 8/11/2005; các Quyết định: số 92/2005/QĐ-TTg ngày 29/4/2005, số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008, số 38/2010/QĐ-TTg ngày 6/5/2010, số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20/8/2010, số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ) thì được cộng nối thời gian công tác trong quân đội, công an trước đó với thời gian công tác có đóng BHXH sau này để tính hưởng BHXH.

Tại điểm b khoản 1 Điều 33 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ LĐ-TB&XH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH và BHXH bắt buộc: Quân nhân, công an nhân dân phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 15/12/1993, tham gia đóng BHXH tự nguyện sau đó mới tham gia BHXH bắt buộc cũng được áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP để tính BHXH.

Đối chiếu với quy định trên, đề nghị ông liên hệ với cơ quan BHXH nơi tham gia đóng BHXH bắt buộc để được xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Hỏi: Bố tôi năm nay 45 tuổi, mẹ tôi 42 tuổi, đã đóng BHXH tự nguyện được 6 năm 2 tháng. Tôi muốn hỏi, bố mẹ tôi đóng BHXH đến năm bao nhiêu tuổi thì ngừng, hay phải đóng đủ số năm BHXH để nhận lương hưu?

Trả lời: Tại điểm c khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động, Điều 73 Luật BHXH năm 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ hưu trí đối với người tham gia BHXH tự nguyện như sau:

Người lao động hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động: Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

- Đủ 20 năm đóng BHXH trở lên.

Người lao động đã đủ điều kiện về tuổi theo quy định về tuổi nghỉ hưu theo quy định nêu trên nhưng thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được đóng cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Theo thông tin ông cung cấp, bố của ông năm nay 45 tuổi, mẹ của ông năm nay 42 tuổi, đã đóng BHXH tự nguyện được 6 năm 2 tháng. Đối chiếu với các quy định nêu trên, để được hưởng chế độ hưu trí, bố và mẹ của ông cần phải đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên thì khi đủ tuổi nghỉ hưu sẽ được hưởng lương hưu theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỏi - đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO