Tạo dựng ý thức công bộc để vận hành các cuộc cải cách đến mức thông thoáng, nhất là để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Quảng Nam, bên cạnh các biện pháp rút ngắn thời gian và thủ tục hành chính.
Nâng chất lượng cán bộ, công chức
UBND tỉnh cho biết, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Quảng Nam giai đoạn 2011 - 2020 và nhiều đề án, chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao… đã cho thấy có sự nâng chất đáng kể. Quảng Nam đã cử đi đào tạo sau đại học 240 cán bộ, công chức, viên chức; tuyển chọn, đào tạo, bố trí cho 412 trường hợp và đang tiếp tục đào tạo 108 học viên để tạo nguồn chủ chốt cán bộ xã, phường trên địa bàn tỉnh thuộc Đề án 500. Không chỉ vậy, số lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức đã được đào tạo ngoại ngữ và nhiều chương trình, đề án liên quan khác cũng đã được tiến hành nhằm phát triển nhân lực, đảm bảo về số lượng, chất lượng, hướng tới một cơ cấu nhân lực hợp lý, tăng cường thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Kết quả khảo sát PCI năm 2015 cho thấy đã có khoảng 63% doanh nghiệp cho rằng thủ tục đã đơn giản hơn, 68% doanh nghiệp cho biết không phải đi lại nhiều lần lấy dấu và chữ ký, 75% doanh nghiệp thừa nhận cán bộ các cơ quan công quyền làm việc hiệu quả và hơn 68% cán bộ ứng xử thân thiện và nhiệt tình hơn. Nhưng ngược lại, khảo sát này cũng đã chỉ ra có đến 82% doanh nghiệp cho rằng những sáng kiến hay ở cấp tỉnh, nhưng lại chưa được thực thi tốt ở các sở, ngành; hay 57% chủ trương, chính sách đúng đắn không được thực hiện ở cấp huyện. Hồ sơ của doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn cứ đi lòng vòng vì thiếu sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý, địa phương. Khoảng 23% doanh nghiệp nói thủ tục hành chính thuê, mua đất đai phức tạp, 75% doanh nghiệp đánh giá thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn được niêm yết hoặc văn bản quy định, khoảng 38% nhận thấy cán bộ nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính không hướng dẫn chi tiết, đầy đủ và 36% cho rằng quy hoạch đất đai của Quảng Nam chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp cho rằng chính quyền đã tạo dựng môi trường đầu tư tốt, giải quyết cụ thể những vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, nhưng cái khó không phải từ lãnh đạo tỉnh mà chính ở các chuyên viên. Doanh nghiệp rất cần sự thay đổi, rút ngắn khoảng cách từ lời nói đến việc làm cụ thể của các cơ quan công quyền.
Năng lực, thái độ, trách nhiệm của công chức sẽ giúp kế hoạch cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư vận hành thông suốt, tạo sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp. Ảnh VĂN HÀO |
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đã từng băn khoăn trước những chỉ số PCI bị tụt hạng và đặt ra câu hỏi tại sao những chỉ đạo, cải cách của lãnh đạo tỉnh lại bị ách tắc ở các cơ quan công quyền và địa phương nhiều năm vẫn chưa được cải thiện? Sự quan liêu của công chức đã gây phiền hà cho doanh nghiệp. Những yêu cầu trái khoáy, vô lý của cơ quan công quyền không một nhà đầu tư nào chịu nổi vẫn đang tồn tại!
Ý thức công chức
Có thể nói, Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư ra đời là một cơ chế mới nhằm cải thiện tình trạng lạm quyền, tùy tiện, chính là công cụ hữu hiệu, giúp hạn chế tác hại của tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” của những cơ quan công quyền. Cộng đồng doanh nghiệp và người dân mong đợi sẽ có thêm nhiều hỗ trợ, đem lại những cơ hội làm ăn hơn là sự thuận tiện cho công tác quản lý. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, những cán bộ được biệt phái về trung tâm này có đủ năng lực, có kinh nghiệm am tường công việc. Tất cả là để tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Doanh nghiệp sẽ ít phàn nàn về môi trường đầu tư Quảng Nam nếu như tất cả cơ quan công quyền đều thực thi đúng các chỉ thị, nghị quyết và sự hữu hiệu tôn trọng các “hợp đồng” đã cam kết trước sự công minh và áp dụng luật pháp một cách nhất quán. Mong muốn tạo sự chuyển biến, từ người lãnh đạo cao nhất đến từng công chức thấp nhất, đồng lòng hỗ trợ doanh nghiệp, dựng lại niềm tin của người dân là khía cạnh tích cực nhất của việc mở trung tâm hành chính công. Tuy nhiên, cam kết của chính quyền, một chủ trương đúng, chính sách hợp lý sẽ rất cần đến những con người thừa hành có đủ năng lực. Không có năng lực nội sinh này mọi thúc ép đều trở nên vô nghĩa. Nhưng năng lực thừa hành của đội ngũ cán bộ cần bao nhiêu thời gian để thay đổi và chuyển hóa một cách năng động hơn? Thực tế các cuộc khảo sát thông qua các công cụ PCI, PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) hay Par Index (chỉ số cải cách hành chính) hàng năm đều cho thấy đây là một trong những điểm yếu của Quảng Nam.
Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh xét cho cùng cũng chỉ là mắt xích quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Sự thay đổi cần thiết phải rộng rãi cho tất cả công bộc. Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói, nếu từng công chức chưa thay đổi, thì những cam kết, quyết tâm đổi mới dù có hay ho thế nào cũng không có nghĩa. Nếu từng công chức có được tư duy vì sự phát triển của doanh nghiệp, người dân, họ sẽ thay đổi cách làm, tìm cách thay đổi quy trình, quy định để thuận lợi hơn thì các nghị quyết, kế hoạch mới thực sự tác động vào đời sống.
Cũng với quan niệm ấy, ý kiến của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang là điều đáng suy ngẫm, rằng việc chuyển tư duy quản lý sang phục vụ nói đơn giản nhưng thực thi rất khó, cần có thời gian và ý thức của công chức. Hãy tạo ra một chương trình hành động cụ thể, xây dựng hệ thống chế tài đủ mạnh, đủ khả năng xử lý, đánh giá trách nhiệm của từng vị trí việc làm và thái độ phục vụ của công chức. Cải cách hành chính có lẽ nên bắt đầu bằng khái niệm “chính việc” để các bộ phận trong bộ máy ý thức đúng đắn trách nhiệm và phần việc của mình, xây dựng lương tâm chức nghiệp để luôn làm tròn bổn phận. Chỉ cần “người nào, việc ấy” là hiệu suất của bộ máy hành chính sẽ được nâng lên rõ rệt.
TRỊNH DŨNG