Xây dựng nông thôn mới ở huyện miền núi như Bắc Trà My là không dễ dàng bởi còn nhiều khó khăn trên con đường đi đến những mức chuẩn yêu cầu. Kiên định với mục tiêu nâng cao đời sống nhân dân, công cuộc xây dựng nông thôn mới ở huyện này đang gặt hái được những thành quả.
Tập trung nguồn lực
Năm 2023, tính đến hiện tại, toàn huyện Bắc Trà My đã huy động hơn 312 tỷ đồng từ các nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng tổng nguồn lực huy động thực hiện chương trình giai đoạn 2021 - 2023 hơn 487,3 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách nhà nước hơn 64,5 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án khác thực hiện trên địa bàn nông thôn khoảng 421,2 tỷ đồng, doanh nghiệp, HTX đóng góp hơn 1,2 tỷ đồng, người dân và cộng đồng đóng góp khoảng 0,4 tỷ đồng.
Kết quả thực hiện Bộ tiêu chí NTM trên địa bàn huyện Bắc Trà My đã đạt được gồm: duy trì 4 thôn đạt chuẩn NTM, phấn đấu đạt chuẩn NTM kiểu mẫu 15 thôn đến cuối năm 2023. Duy trì, đảm bảo 3 xã đạt chuẩn NTM gồm xã Trà Dương, Trà Tân, Trà Đông và nâng cao chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí đã đạt. Bình quân tiêu chí đã đạt là 14,75 tiêu chí/xã.
Kết quả thực hiện bộ tiêu chí xã NTM nâng cao trên địa bàn xã Trà Dương đạt 7/19 tiêu chí xã nâng cao. Đến nay trên địa bàn huyện có 10/12 xã đạt tiêu chí giao thông (đạt 83%); 12/12 xã đạt tiêu chí thủy lợi và phòng chống thiên tai (đạt 100%); 12/12 xã đạt tiêu chí điện (đạt 100%); 5/12 xã đạt tiêu chí nhà ở (đạt 42%).
Theo ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, chương trình xây dựng NTM được cả hệ thống chính trị và nhân dân chung tay góp sức thực hiện, đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân được nâng lên, hệ thống an ninh chính trị được giữ vững.
Trong 19 tiêu chí NTM, các tiêu chí về cơ sở hạ tầng cần số vốn lớn nên huyện luôn cố gắng lồng ghép các nguồn lực, đảm bảo các tiêu chí khi đạt mang tính bền vững.
Nhận thức trong đội ngũ cán bộ công chức các cấp và nhân dân về xây dựng NTM đã có sự thay đổi rõ rệt; vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM đã từng bước được xác định rõ ràng, qua đó đã khuyến khích, động viên được người dân tham gia đóng góp xây dựng NTM.
Ông Vũ cho biết: “Qua 3 năm triển khai chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện Bắc Trà My, trong bối còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo khá cao, đặc biệt hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, địa phương đã nỗ lực cân đối ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện. Đây là kết quả quan trọng, là tiền đề cho việc thực hiện mục tiêu của các năm tiếp theo.
Chương trình đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển chung của huyện. Các cơ chế chính sách thúc đẩy việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn, làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, kết cấu hạ tầng từng bước được hoàn chỉnh…”.
Chuyển biến
Xây dựng NTM đích đến không gì khác là giảm nghèo bền vững, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Trong năm 2022 - 2023, UBND tỉnh phân bổ hơn 232,3 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và hơn 188,8 từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ đó huyện Bắc Trà My đầu tư, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững.
Hiện nay phần lớn nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã và đang thực hiện giải ngân trên 70%, đang tổ chức thẩm định các phương án hỗ trợ phát triển sản xuất của các đơn vị được giao làm chủ đầu tư vốn phát triển sản xuất của 2 chương trình. Bắc Trà My đang tập trung mọi nguồn lực, phấn đấu đến năm 2025 thoát khỏi huyện nghèo theo đề án của UBND tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My, công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những nội dung trọng tâm, cốt lõi của chương trình xây dựng NTM.
Vì vậy, trong những năm qua các cấp, ngành đã tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, xây dựng đề án, dự án phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xây dựng các mô hình phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương.
Đào tạo nghề cho lao động nhàn rỗi, lao động thuộc hộ nghèo, lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, đào tạo gắn với nhu cầu của thị trường, hỗ trợ và thúc đẩy các mô hình khởi nghiệp sáng tạo ở nông thôn.
Từ đó từng bước nâng cao tay nghề, kiến thức, kinh nghiệm cho người dân nông thôn trong việc áp dụng vào công tác phát triển sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Toàn huyện có 30 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, vào cuộc chung tay với địa phương thực hiện các mục tiêu xây dựng NTM. Các HTX nông nghiệp tập trung vào các sản phẩm chủ lực gắn với nguồn nguyên liệu tại chỗ, liên kết với nhân dân vùng trồng nguyên liệu, tạo đầu ra cho sản phẩm, tạo việc làm và nguồn thu nhập cho nhân dân, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững.